Ý kiến thăm dò

- Xứ Thanh từng được học giả người Pháp H. Le Breton ngợi ca là “nơi có thiên nhiên đẹp nhất, cũng như giàu kỷ niệm hay truyền thuyết nhất Đông Dương”. Đây không phải là sự ưu ái mà học giả phương Tây này dành cho xứ Thanh, mà trước đó không ít học giả đã dành nhiều ca từ đẹp khi nói về vùng đất quý hương. Trong bộ sách “Đại Nam nhất thống chí” nhận định Thanh Hóa “là nơi nhà khảo cổ đã phát kiến những cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn; thắng cảnh danh lam đã làm nguồn thi cảm cho biết bao tao nhân mặc khách;... đã từng chứng kiến những chiến công hiển hách của biết bao minh quân danh tướng”.

 Xét trong sử sách ghi chép, xứ Thanh có vị thế trọng yếu khi là nơi giao thoa cả về địa lý, chính trị, văn hóa - xã hội. Mảnh đất này còn là sự hòa quyện của cảnh sắc non nước hữu tình, kỳ vĩ. Mảnh đất này là cái nôi hun đúc nên những anh hùng hào kiệt vang danh lịch sử, gắn với những cái tên, sự kiện lịch sử lẫy lừng, như Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi với khởi nghĩa Lam Sơn; nữ trung hào kiệt Triệu Thị Trinh với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu khiến “Giao Châu chấn động”... Trải qua bao thăng trầm lịch sử, mảnh đất xứ Thanh đã kết tụ và chắt lọc nên một miền di sản phong phú, độc đáo vừa riêng có, vừa có tính đại diện cho văn hóa dân tộc.

Văn hóa xứ Thanh đa dạng, đặc sắc với hệ thống di tích, di sản phong phú độc đáo như: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu, hang Con Moong...; hệ thống bảo vật quốc gia; các trò chơi, trò diễn đặc sắc như Trò Xuân Phả, Ngũ trò Viên Khê...; những đặc sản nổi tiếng mà kẻ gần, người xa đều phải trầm trồ khen ngợi như quế Thường Xuân, chè lam Phủ Quảng, mía Kim Tân, bánh gai Tứ Trụ... Đó cũng chính là cơ sở tạo nên hồn cốt, đặc tính của người dân xứ Thanh; cũng đồng thời là nhân tố tạo thành tổng thể xứ Thanh “địa linh – nhân kiệt”.

Ngày nay, văn hóa xứ Thanh đã và đang góp phần “dệt” nên bức tranh văn hóa dân tộc tiên tiến, đậm đà bản sắc. Có được điều đó là nhờ bởi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn đề cao việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Song song với đó là quan tâm đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động mà điển hình hơn cả là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH). Các nội dung của phong trào cơ bản đã bao quát, tác động tích cực đến mọi lĩnh vực của đời sống Nhân dân; tạo nên một “làn gió mới” trong đời sống văn hóa – xã hội, góp phần phát huy vẻ đẹp truyền thống của đất và người xứ Thanh.
245d3155654t54438l0.jpg

Lễ hội Lam Kinh 2022.

Điều này được minh chứng qua tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa năm sau cao hơn năm trước; các giá trị văn hóa nền tảng, cốt lõi của gia đình như yêu thương, hiếu thảo, tôn trọng, bình đẳng được đề cao; các phong trào thi đua yêu nước phát triển sôi nổi, từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tập thể kiểu mẫu trên tất cả các lĩnh vực. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, có 737.525/957.825 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 77%, tăng 3% so với năm 2021); 3.311/4.357 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa (đạt 76%, tăng 4% so với năm 2021); 375/469 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 79,9%, tăng 4,3% so với năm 2021)...

Văn hóa được quan tâm bồi đắp và phát triển đã trở thành nền tảng tạo nên những đổi thay tích cực trong đời sống xã hội. Đồng thời, những giá trị cốt lõi của truyền thống lịch sử, văn hóa được vun đắp, trao truyền, nuôi dưỡng và phát huy cho đến tận ngày nay, đã và sẽ góp phần quan trọng xây dựng tỉnh Thanh Hóa phát triển toàn diện và vững chắc: Một tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh hay một tỉnh kiểu mẫu của cả nước.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)

  

thủ tục hành chính