Ý kiến thăm dò

 



 

UBND HUYỆN THỌ XUÂN

UBND XÃ TÂY HỒ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 
 

 


           Tây Hồ, ngày 21 tháng 8 năm 2018

 

BÁO CÁO TRUYỀN THỐNG

70 năm thành lập Chi bộ Đảng (1948 - 2018),

65 năm ngày thành lập xã (21/8/1953 – 21/8/2018)

 

    Tây Hồ là một xã giàu truyền thống cách mạng của huyện Thọ Xuân, cách trung tâm huyện 1,5km về phía đông, phía Bắc giáp xã Hạnh Phúc, phía Nam giáp xã Xuân Quang, phía Đông giáp xã Bắc Lương, phía Tây giáp xã Xuân Giang và Thị trấn Thọ Xuân. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 315,81ha, dân số là 4.710 người với 1.218 hộ được sinh sống ở 7 đơn vị thôn, là vùng đất có truyền thống yêu nước và hiếu học, có bề dày lịch sử văn hóa qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Trên mảnh đất xã Tây Hồ, từ xa xưa đã có cư dân sinh sống, hình thành nên làng xóm, người dân gắn bó chặt chẽ với nhau trong sản xuất, trong đấu tranh giữ đất, giữ làng. Thời Trần: xã Tây Hồ thuộc huyện Cổ Lôi. Từ thời Lê đến thời Nguyễn thuộc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân và nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.


Ảnh: Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn Phó bí thư Đảng bộ – Chủ tịch UBND xã Tây Hồ Đọc báo cáo truyền thống  70 năm thành lập Chi bộ Đảng (1948 - 2018), 65 năm ngày thành lập xã (21/8/1953 – 21/8/2018) 

        Ngay từ buổi đầu khai canh, lập làng đến nay, trải qua lịch sử các triều đại của đất nước nhân dân luôn đoàn kết gắn bó yêu thương nhau, luôn giữ vững truyền thống yêu nước, không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược. Thời Pháp thuộc, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân xã Tây Hồ nói riêng bị áp bức, bóc lột đến tận xương tận tủy, cuộc sống vô cùng khó khăn, khổ cực. Giữa lúc đất nư­ớc, quê h­ương chìm đắm trong cảnh lầm than nô lệ, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là bước ngoặt vô cùng to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta.

Năm 1931, mặc dù bị địch khủng bố gắt gao nhưng phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhiều nơi vẫn phát triển, các tổ chức cách mạng được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Tháng 12 năm 1935, đồng chí Nguyễn Mậu Sung trở lại Tây Hồ lựa chọn một số quần chúng tích cực lập nhóm “Cốt cán bí mật”, nhóm này là lực lượng nòng cốt của “Hội Tương tế ái hữu” và phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng.

Tháng 1 năm 1936, được sự chỉ đạo của cấp trên, các đồng chí cách mạng ở Tây Hồ đã tổ chức hội nghị phụ nữ, hội nghị chủ trương phát động phong trào phụ nữ đòi quyền nam nữ bình đẳng, dân sinh, dân chủ. Hội nghị có 32 hội viên và đã bầu Ban vận động gồm 4 người: Bà Hoàng Thị Thợi, Lê Thị Bi, Lê Thị Như, Hoàng Thị Minh Ba. Sau hội nghị này, phong trào phụ nữ Tây Hồ đã lôi cuốn được nhiều chị em tham gia, đây cũng là cơ sở để phát triển Hội Phụ nữ cứu quốc sau này.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều thanh niên ưu tú của Tây Hồ lúc bấy giờ như ông Hoàng Đức Luyện, Hoàng Văn Phúc, Lê Ngọc Huỳnh, Hoàng Văn Tuyển, Lê Khánh Việp, Hoàng Văn Quynh, bà Hoàng Thị Minh Ba và nhiều chiến sỹ cách mạng khác bất chấp tù đày, gông xiềng tra tấn dã man của chính quyền đế quốc phong kiến, người trước bị địch bắt, người sau đứng lên bám làng, bám xã vận động, tuyên truyền cách mạng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại chính quyền thực dân phong kiến. Từ đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, dân sinh, dân chủ, tiến tới đấu tranh chính trị và kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, cùng cả nước khởi nghĩa thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân ta vừa mới bắt tay xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước tiếp tục đứng lên huy động sức người, sức của tham gia kháng chiến.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính Tổng không còn. Đầu năm 1946, các xã mới được thành lập. Các làng: Nam Thượng, Hội Hiền, Đống Nãi và các làng Phúc Trạch (Thượng, Trung, Hạ), Phúc Như, Cao Phong, Phú Gia gộp lại thành lập xã mới lấy tên là Tiên Long. Năm 1948, sau khi sáp nhập các làng Công Lý (Mỹ Thượng, Mỹ Hạ, Mỹ Trung, Nhuế Thôn) vào xã Tiên Long, xã đổi tên thành xã Thọ Long.

Ngày 5/3/1948, Chi bộ Đảng xã Thọ Long được thành lập trên cơ sở 3 tổ Đảng, gồm 29 đảng viên. Đồng chí Lê Xuân Mậu được Huyện ủy cử về chỉ đạo thành lập Chi bộ và trực tiếp làm Bí thư. Sau một thời gian, đồng chí Mậu được điều đi công tác khác, đồng chí Lê Văn Tốn được bầu làm Bí thư chi bộ.

Tháng 8 năm 1953, sau phát động giảm tô, để phù hợp với trình độ quản lý cấp cơ sở, các xã trong huyện được chia ra thành xã nhỏ hơn. Xã Thọ Long chia thành 3 xã mới là: xã Nam Giang, xã Bắc Lương và xã Tây Hồ.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và chính quyền, nhân dân xã Tây Hồ đã hăng hái tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Hàng ngàn người đã vào bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Tính từ năm 1950 đến năm 1954, huyện điều động hơn 74 ngàn người phục vụ các đợt dân công, trong đó Thọ Long (từ tháng 8 năm 1953 là xã Tây Hồ) đã huy động hơn 3 ngàn lượt người, hàng chục xe thồ và có trên 10 Đảng viên tham gia để phục vụ vận chuyển lương thực, khí giới từ Thanh Hóa đi Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Các đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Hoàng Đình Tuyến, Lê Xuân Hược là cán bộ hướng dẫn dân công. Người ở hậu phương tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đóng góp tối đa sức người sức của cho kháng chiến, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”,  chấm dứt sự xâm lược của Thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Huyện ủy Thọ Xuân đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, xã Tây Hồ vinh dự được đón tiếp Sư đoàn 330 do đồng chí Đồng Văn Cống làm Sư đoàn trưởng. Nhân dân hai làng Hội Hiền và Đống Nãi đã cắt ra hàng chục mẫu đất bằng phẳng, cao ráo để Sư đoàn xây dựng doanh trại, sở chỉ huy, nhân dân làng Nam Thượng cũng cắt ra hàng chục ha đất cho Sư đoàn làm nhà xe cơ giới, pháo cao xạ.

Thực hiện Sắc lệnh cải cách ruộng đất của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cải cách ruộng đất ở Thọ Xuân được tiến hành làm 2 đợt. Đợt 1 làm thí điểm 7 xã, xã Tây Hồ được tiến hành cải cách ruộng đất đợt 2. Cải cách ruộng đất thành công, người dân nghèo xã Tây Hồ thực hiện được ước mơ ngàn đời là “người cày có ruộng”, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, tạo nên đời sống mới dân chủ trong nông thôn, đặt nền móng cho sản xuất nông nghiệp phát triển.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất và xây dựng các tổ đổi công, đây là bước đầu của việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1958, Hợp tác xã Thắng Lợi (Xuân Thành) ra đời, đây là Hợp tác xã đầu tiên của huyện Thọ Xuân. Đúc rút kinh nghiệm từ Hợp tác xã Thắng Lợi, Chi bộ Đảng và chính quyền xã Tây Hồ vận động nhân dân xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp với quy mô vừa và nhỏ.

Tháng 10 năm 1958, Hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ xóm Hồ Long, làng Hội Hiền ra đời. Đây là Hợp tác xã  nông nghiệp đầu tiên của xã Tây Hồ có tên là Hợp tác xã Hồng Lực, Hợp tác xã có 24 gia đình, được chia làm 2 đội sản xuất, do ông Nguyễn Văn Chước làm Chủ nhiệm và ông Phùng Xuân Khoa làm Phó Chủ nhiệm.

Đang từ sản xuất nhỏ lẻ, năng xuất thấp, khi vào Hợp tác xã sản xuất theo mô hình tập thể, đảm bảo nguồn phân bón, gieo trồng đúng thời vụ nên ngay vụ đầu tiên đã cho năng xuất cao, đời sống xã viên được nâng lên rõ rệt.

Từ thắng lợi của Hợp tác xã Hồng Lực, Chi bộ Đảng và Ủy ban hành chính xã Tây Hồ phát động phong trào Hợp tác xã hóa trên toàn xã, nông dân các làng hăng hái làm đơn vào Hợp tác xã.

Đến tháng 12 năm 1959, trên địa bàn xã Tây Hồ xây dựng được 7 Hợp tác xã nông nghiệp với hơn 90% nông dân vào Hợp tác xã.

Song song với việc xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã vay mượn của xã Tây Hồ ra đời vào tháng 9/1959, sau đó đổi tên thành Hợp tác xã tín dụng.

Thực hiện cuộc vận động của tỉnh, tháng 11 năm 1960, xã Tây Hồ sáp nhập từ 7 Hợp tác xã xuống còn 4 Hợp tác xã: Hợp tác xã Nam Thượng có 4 đội sản xuất, Hợp tác xã Long Vân có 9 đội sản xuất, Hợp tác xã Đồng Tâm có 4 đội sản xuất và Hợp tác xã Hồng Giang có 4 đội sản xuất. Nhờ sự quản lý tập trung của hợp tác xã mà có thể huy động có hiệu quả lao động của nông dân để xây dựng những công trình lớn của làng xã, phục vụ cho sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động sức người, sức của để phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng gay go và ác liệt.

Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở Miền Nam đã gây nên cuộc chiến tranh xâm lược không những chỉ ở Miền Nam mà lan ra cả Miền Bắc với cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc bằng không quân và hải quân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ suốt trong thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20 nhân dân Tây Hồ đã hăng hái đóng góp xứng đáng sức mình cho cả hai nhiệm vụ lớn là phát triển kinh tế xây dựng hậu phương vững chắc, đồng thời huy động sức người, sức của cho tiền tuyến. 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp thanh niên Tây Hồ lại lên đường chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều phong trào cách mạng ở địa phương đã được phát động như: Thanh niên Ba sẵn sàng, Phụ nữ Ba đảm đang, chắc tay cày vững tay súng, hậu phương thi đua với tiền phương quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong vòng 20 năm, xã Tây Hồ đã có 500 người tham gia vào các lực lượng vũ trang, 126 người đi dân công hỏa tuyến, 22 người là dân công xe thồ, thủy thủ thuyền nan vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường; 60 người là thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng phục vụ ở Thượng Lào, Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và hai trung đội dân quân thoát ly sản xuất trực tiếp chiến đấu; 88 liệt sỹ ngã xuống trên các chiến trường; 8 gia đình có 2 liệt sỹ, 63 thương binh, 39 bệnh binh; Hằng năm bình quân đóng góp cho nhà nước 400 tấn lương thực, 30 tấn thực phẩm; nhường hàng trăm nhà dân cho bộ đội đóng quân, làm kho lương thực, đào đắp hàng ngàn hầm trú ẩn, đào hàng ngàn mét giao thông hào, đắp hàng ngàn mét khối đất làm ụ pháo, hầm tên lửa, ra đa, nhường hàng chục ha đất cho Sư đoàn 330 làm doanh trại, xưởng cơ khí, bệnh viện huyện. Máy bay của Mỹ nhiều lần ném bom xuống địa bàn xã Tây Hồ, làm chết và bị thương hàng chục người, phá hoại nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân.

Do có nhiều công lao đóng góp trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Tây Hồ vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 31 cán bộ Lão thành cách mạng; 11 chiến sĩ Ngọc Trạo, 6 Bà mẹ được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 55 tập thể và cá nhân được nhận bằng có công với nước, trong đó có 4 kỷ niệm chương (đồng tiền vàng), 5 huân chương Độc lập, 450 huân, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền, trong 70 năm qua, Tây Hồ từ một xã nghèo nàn, lạc hậu, đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện Thọ Xuân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Hồ đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, từng bước lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua khó khăn, gian khổ, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực.

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các thế hệ cán bộ đi trước qua các nhiệm kỳ, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Hồ đã nỗ lực phấn đấu vươn lên giành được những kết quả quan trọng, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành có hiệu quả của chính quyền, nền kinh tế của địa phương ngày càng có bước phát triển. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí đã thực hiện chương trình là 112.378 triệu đồng; đến tháng 9/2016, địa phương đã đạt 19/19 tiêu chí, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định công nhận xã Tây Hồ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Ngày 30/12/2016, trong niềm hân hoan, phấn khởi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tây Hồ đã tổ chức trọng thể Lễ đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đạt xã kiểu mẫu vào cuối nhiệm kỳ.

Những kết quả xây dựng NTM đã làm bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện; QP-AN được giữ vững, dân chủ được mở rộng, nhân dân luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia đóng góp xây dựng địa phương. Với việc hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới,  kết cấu hạ tầng đã được đầu tư đúng mức, làm mới và nâng cấp 26 km đường giao thông nông thôn và 11,1 km kênh mương nội đồng. Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, 100% hộ dân được sử dụng điện. Kết hợp nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện những năm qua xã đã đầu tư xây mới Trung tâm Văn hóa, xây mới Công sở làm việc và các công trình phụ trợ; Xây dựng cả 3 cấp trường học đạt chuẩn quốc gia, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Xây dựng mới 5 nhà văn hóa thôn. Nhân dân đầu tư nâng cấp và xây mới và hàng trăm nhà ở  và các công  trình phụ trợ . Đời sống nhân dân được nâng lên, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 32,5 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 3,9%, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn trên 10%. Các hoạt động về chính sách xã hội được quan tâm, BHYT đạt trên 87%, công tác VSMT được chú trọng, việc thu gom rác thải, vệ sinh đường làng ngõ xóm được tổ chức thực hiện thường xuyên nên môi trường luôn sạch đẹp. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều đổi mới. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy; đặc biệt những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, đó chính là những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của xã nhà trong những năm tiếp theo.

Song song với công tác phát triển kinh tế - xã hội, sau 21 kỳ Đại hội kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ xã Tây Hồ thường xuyên chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, công tác đào tạo và bồi dưỡng quy hoạch cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt là việc quán triệt học tập Nghị quyết TW 4 khóa XI, khoá XII của BCH TW về chỉnh đốn, xây dựng đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được toàn Đảng bộ và nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Đảng bộ đạt TSVM nhiều năm liên tục.

Phương thức lãnh đạo của cấp ủy tiếp tục được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể thường xuyên làm tốt công tác phối hp với chính quyền, tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua, các nhiệm vụ của địa phương, thể hiện vai trò chức năng của Mặt trận Tổ quốc trong việc tập hợp vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương, đặc biệt là trong phong trào vận động toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới.

Nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của xã nhà trong suốt chặng đường dài đã qua, ôn lại những khó khăn, gian khổ cùng những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chúng ta càng chân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả đã đạt được, càng ghi nhớ và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao của các bậc tiền bối, ghi nhớ công ơn của các  liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với nước, các đồng chí thương binh, bệnh binh đã đóng góp một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, ghi nhớ công lao của các thế hệ đảng viên, các đồng chí nguyên là lãnh đạo qua các thời kỳ và công sức đóng góp to lớn của toàn thể nhân dân góp phần xây dựng quê hương, đất nước đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Trong suốt quá trình lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tây Hồ, những thành quả đạt được trong từng giai đoạn là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ gian lao. Tuy nhiên, nhưng thành công đó vẫn chưa đáp ứng hết được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Kỷ niệm 70 năm thành lập Chi bộ Đảng và 65 năm ngày thành lập xã, chúng ta càng tự hào về chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta càng phải nỗ lực phấn đấu vươn lên hơn nữa trong thời gian tới. Trước mắt, cần phải xác định rõ thời cơ, thách thức và các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy dân chủ, chú ý lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân để đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp tích cực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, mà nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là:

1. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy tính tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

2. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo và vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện các tiêu chí xây dựng xã kiểu mẫu.  Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Tiếp tục thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và phát triển bền vững, ứng dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Củng cố và phát triển hoạt động của HTX DVNN&Điện năng, làm tốt công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, tiến tới xây dựng thương hiệu và tiêu thụ các sản phẩm rau, quả, thủy sản an toàn; đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

3. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất đạo đức; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh toàn diện; không ngừng vun đắp quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

4. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Nghị quyết số 04, 05 của Tỉnh uỷ về đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và Quyết định 1988/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về vệ sinh môi trường nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt công tác BHYT, BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, tăng cao thu nhập, chăm lo đời sống của nhân dân.

5. Tăng cường công tác quân sự, quốc phòng địa phương; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, hoàn thành chỉ tiêu giao quân hàng năm. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm; bảo đảm ổn định tình hình  chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Để khắc ghi truyền thống yêu nước, cách mạng của Nhân dân và Đảng bộ trong 2/3 thế kỷ qua; tại buổi Lễ long trọng này, địa phương tái bản cuốn “Lịch sử xã Tây Hồ" gắn với quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương, lịch sử Đảng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực và đồng thuận trong nhân dân nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương Tây Hồ.

Nhân buổi lễ trọng thể này, Đảng ủy - HĐND - UBND - MTTQ xã Tây Hồ trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, động viên của Huyện ủy, HĐND, UBND, UB.MTTQ huyện Thọ Xuân; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; cảm ơn sự đóng góp quý báu về tinh thần, vật chất của cán bộ và nhân dân, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, những người con quê hương Tây Hồ đang làm ăn, công tác ở mọi miền đất nước.

Đảng bộ và nhân dân Tây Hồ xin hứa sẽ mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đoàn kết một lòng đưa xã nhà ngày càng phát triển đi lên, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

Chủ tịch

(Đã ký)

Nguyễn Hồng Sơn

 

 

thủ tục hành chính