Lịch sử hình thành Đảng bộ xã Tây Hồ |
|
Tây Hồ là một vùng đất có truyền thống yêu nước và hiếu học, có bề dày lịch sử văn hóa qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Trên mảnh đất xã Tây Hồ, từ xa xưa đã có cư dân sinh sống, hình thành nên làng xóm, người dân đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau trong lao động, sản xuất, trong đấu tranh giữ đất, giữ làng. Thời Trần, Tây Hồ thuộc huyện Cổ Lôi. Từ thời Lê đến thời Nguyễn thuộc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân và nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Ngay từ buổi đầu khai canh, lập làng đến nay, trải qua lịch sử các triều đại, nhân dân luôn đoàn kết gắn bó yêu thương nhau, luôn giữ vững truyền thống yêu nước, không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược. Thời Pháp thuộc, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Tây Hồ nói riêng bị áp bức, bóc lột đến xương tủy, cuộc sống vô cùng cực khổ. Giữa lúc đất nước, quê hương chìm đắm trong cảnh lầm than nô lệ, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là bước ngoặt vô cùng to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều thanh niên ưu tú của Tây Hồ lúc bấy giờ như ông Hoàng Đức Luyện, Hoàng Văn Phúc, Lê Ngọc Huỳnh, Hoàng Văn Tuyển, Lê Khánh Việp, Hoàng Văn Quỳnh, bà Hoàng Thị Minh Ba và nhiều chiến sỹ cách mạng khác bất chấp tù đày, gông xiềng tra tấn dã man của chính quyền đế quốc phong kiến, người trước bị địch bắt, người sau đứng lên bám làng, bám xã vận động, tuyên truyền cách mạng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại chính quyền thực dân phong kiến. Từ đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, dân sinh, dân chủ, tiến tới đấu tranh chính trị và kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, cùng cả nước khởi nghĩa thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân ta vừa mới bắt tay xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước tiếp tục đứng lên huy động sức người, sức của tham gia kháng chiến.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính Tổng không còn. Đầu năm 1946, các xã mới được thành lập. Các làng: Nam Thượng, Hội Hiền, Đống Nãi và các làng Phúc Trạch (Thượng, Trung, Hạ), Phúc Như, Cao Phong, Phú Gia gộp lại thành lập xã mới lấy tên là Tiên Long. Năm 1948, sau khi sáp nhập các làng Công Lý (Mỹ Thượng, Mỹ Hạ, Mỹ Trung, Nhuế Thôn) vào xã Tiên Long, xã đổi tên thành xã Thọ Long.
Ngày 5/3/1948, Chi bộ Đảng xã Thọ Long được thành lập trên cơ sở 3 tổ Đảng, gồm 29 đảng viên. Đồng chí Lê Xuân Mâu được Huyện ủy cử về chỉ đạo thành lập Chi bộ và trực tiếp làm Bí thư. Sau một thời gian, đồng chí Mâu được điều đi công tác khác, đồng chí Lê Văn Tốn được bầu làm Bí thư chi bộ.
Đầu năm 1950, thực hiện chủ trương của khu uỷ Liên khu IV, tỉnh uỷ Thanh Hoá, huyện uỷ Thọ Xuân tiến hành đợt Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tinh thần Đấu tranh phê và tự phê của CHủ tịch HỒ Chí Minh. Trong đợt này những tư tưởng lệch lạc được chấn chỉnh kịp thời Đảng tạm ngừng phát triển Đảng viên. Các Đảng viên mới trong xã đều được đi tập huấn về đường lối và các quan điểm của Đảng. Nhờ đợt đấu tranh phê và tự phê này tư tưởng Đảng viên, kinh nghiệm tổ chức của chi bộ Đảng được củng cố, Đảng viên nâng cao phẩm chất cách mạng. Tháng 6/1950 xã Thọ Long được kiện toàn, đ/c Hoàng Văn Thi được bầu làm bí thư chi bộ, đ/c Lê Vnaw Khắc phụ trách chính quyền, đ/c Lê Huy Ngãi trực Đảng
Tháng 8 năm 1953, sau phát động giảm tô, để phù hợp với trình độ quản lý cấp cơ sở, các xã trong huyện được chia ra thành xã nhỏ hơn. Xã Thọ Long chia thành 3 xã mới là Nam Giang, Bắc Lương và Tây Hồ.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và chính quyền, nhân dân xã Tây Hồ đã hăng hái tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Hàng ngàn người đã vào bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.. Các đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Hoàng Đình Tuyến, Lê Xuân Hượng là cán bộ hướng dẫn dân công. Người ở hậu phương tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đóng góp tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, chấm dứt sự xâm lược của Thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.
Tháng 10 năm 1958, Hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ xóm Hồ Long, làng Hội Hiền ra đời. Đây là Hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của xã Tây Hồ có tên là Hợp tác xã Hồng Lực, Hợp tác xã có 24 gia đình, được chia làm 2 đội sản xuất, do ông Nguyễn Văn Chước làm Chủ nhiệm và ông Phùng Xuân Khoa làm Phó Chủ nhiệm.
Đang từ sản xuất nhỏ lẻ, năng xuất thấp, khi vào Hợp tác xã sản xuất theo mô hình tập thể, đảm bảo nguồn phân bón, lại gieo trồng đúng thời vụ nên ngay vụ đầu tiên đã cho năng xuất cao, đời sống xã viên được nâng lên rõ rệt.
Từ thắng lợi của Hợp tác xã Hồng Lực, Chi bộ Đảng và Ủy ban hành chính xã Tây Hồ phát động phong trào Hợp tác xã hóa trên toàn xã, nông dân các làng hăng hái làm đơn vào Hợp tác xã.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ suốt trong những năm 1960-1970, nhân dân Tây Hồ đã hăng hái đóng góp sức mình cho cả hai nhiệm vụ lớn là phát triển kinh tế xây dựng hậu phương vững chắc, đồng thời huy động sức người, sức của cho tiền tuyến.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp thanh niên Tây Hồ lại lên đường chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều phong trào cách mạng ở địa phương đã được phát động như: Thanh niên Ba sẵn sàng, Phụ nữ Ba đảm đang, chắc tay cày vững tay súng, hậu phương thi đua với tiền phương quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Máy bay của Mỹ nhiều lần ném bom xuống địa bàn xã Tây Hồ, làm chết và bị thương hàng chục người, phá hoại nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân.
Do có nhiều công lao đóng góp trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Tây Hồ vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 31 cán bộ Lão thành cách mạng; 11 chiến sĩ Ngọc Trạo, 6 Bà mẹ được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 55 tập thể và cá nhân được nhận bằng có công với nước, trong đó có 4 kỷ niệm chương (đồng tiền vàng), 5 huân chương Độc lập, 450 huân, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền, trong 75 năm qua, Tây Hồ từ một xã nghèo nàn, lạc hậu, đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện Thọ Xuân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Hồ đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, từng bước lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua khó khăn, gian khổ, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực.
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của các thế hệ cán bộ đi trước qua các nhiệm kỳ, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 22, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Hồ đã nỗ lực phấn đấu vươn lên giành được những kết quả quan trọng, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành có hiệu quả của chính quyền, nền kinh tế của địa phương ngày càng có bước phát triển. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Năm 2016, địa phương đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. và đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2020. Năm 2023, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tây Hồ quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu và từng bước xây dựng các tiêu chí phường.
Những kết quả xây dựng NTM đã làm bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện; QP-AN được giữ vững, dân chủ được mở rộng, nhân dân luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia đóng góp xây dựng địa phương. Đời sống nhân dân được nâng lên, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 60,3 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 1,4%, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn trên 10%. Các hoạt động về chính sách xã hội được quan tâm, BHYT đạt trên 98%, công tác VSMT được chú trọng, việc thu gom rác thải, vệ sinh đường làng ngõ xóm được tổ chức thực hiện thường xuyên nên môi trường luôn sạch đẹp. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền có nhiều đổi mới. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy; đặc biệt những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, đó chính là những tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của xã nhà trong những năm tiếp theo.
Song song với công tác phát triển kinh tế - xã hội, sau 22 kỳ Đại hội kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ xã Tây Hồ thường xuyên chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, công tác đào tạo và bồi dưỡng quy hoạch cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt là việc quán triệt học tập Nghị quyết của BCH TW về chỉnh đốn, xây dựng đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được triển khai tổ chức thực hiện và đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân.
Phương thức lãnh đạo của cấp ủy tiếp tục được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với chính quyền, tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua, các nhiệm vụ của địa phương, thể hiện vai trò chức năng của Mặt trận Tổ quốc trong việc tập hợp vận động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương, đặc biệt là trong phong trào vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh".
Nhìn lại chặng đường 75 năm thành lập Chi bộ Đảng, từ chỗ chỉ có 29 đảng viên sinh hoạt ở 3 tổ Đảng, trải qua 22 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ xã đã có 315 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ. Trong 75 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ vẫn thể hiện được phẩm chất tiên phong cách mạng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên cường trước mọi thử thách, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động, mẫu mực trong đạo đức, lối sống, được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của xã nhà trong suốt chặng đường dài đã qua, ôn lại những khó khăn, gian khổ cùng những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả đã đạt được, càng ghi nhớ và lòng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Trong suốt quá trình lịch sử của Đảng bộ, những thành quả đạt được trong ngày hôm nay là kết tinh của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ gian lao của lớp lớp thế hệ người con Tây Hồ. Tuy nhiên, những thành công đó vẫn chưa đáp ứng hết được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Kỷ niệm 75 năm thành lập Chi bộ Đảng, tự hào về chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta càng phải nỗ lực phấn đấu vươn lên hơn nữa trong thời gian tới. Trước mắt, cần phải xác định rõ thời cơ, thách thức và các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy dân chủ, chú ý lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân để đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp tích cực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, mà nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là:
1- Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy tính tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; quan tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
2- Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo và vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện các tiêu chí xây dựng xã kiểu mẫu. Thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng". Tiếp tục thực hiện chủ trương về tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và phát triển bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Củng cố và phát triển hoạt động của HTX DVNN&Điện năng, làm tốt công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, tiến tới xây dựng thương hiệu vùng lúa chất lượng cao, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP hiện có để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm rau, quả, thủy sản an toàn; đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
3- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất đạo đức; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh toàn diện; không ngừng vun đắp quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
4- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Nghị quyết số 04, 05 của Tỉnh uỷ về đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và Quyết định 1988/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về vệ sinh môi trường nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt công tác BHYT, BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, tăng cao thu nhập, chăm lo đời sống của nhân dân.
5- Tăng cường công tác quân sự, quốc phòng địa phương; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, hoàn thành chỉ tiêu giao quân hàng năm. Thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm; bảo đảm ổn định tình hình chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
Đảng ủy - HĐND - UBND - MTTQ xã Tây Hồ trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, động viên của Huyện ủy, HĐND, UBND, UB.MTTQ huyện Thọ Xuân; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; cảm ơn sự đóng góp quý báu về tinh thần, vật chất của cán bộ và nhân dân, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, những người con quê hương Tây Hồ đang làm ăn, học tập, công tác ở mọi miền đất nước.